Các model Deco khác nhau có thể hoạt động cùng nhau

Các model Deco khác nhau có thể hoạt động cùng nhau

Update mới nhất: 27/05/2025

Tất cả các model Deco có thể hoạt động cùng nhau, đó là công bố của TP-Link. Trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ về việc mình đã nâng cấp Router chính từ model Deco X10 lên Deco X60 và kết hợp sử dụng hai model này trong cùng 1 hệ thống mạng.

Mình đang sử dụng hệ thống 2 chiếc Deco X10, mình đã có review chi tiết tại đây. Tuy nhiên, với nhu cầu sử dụng trong mạng nội bộ cao do mình có sử dụng cả NAS, đồng thời cũng muốn có thêm một số tính năng như VPN Server để có thể kết nối an toàn từ bên ngoài về nhà, vì vậy mình đã bổ sung thêm 1 chiếc Deco X60 vào hệ thống và sẽ dùng Deco X60 làm router chính thay cho chiếc X10.

Nhưng không phải bỏ phí hay thay thế thiết bị nào cả, 2 chiếc X10 mình sẽ tiếp tục sử dụng để làm node phụ trong hệ thống mạng này. Mình sẽ chia sẻ những trải nghiệm của mình khi dùng hệ thống nhiều mẫu Deco khác nhau.

Lưu ý khi dùng các model Deco khác nhau

Đây là lưu ý đến từ nhà sản xuất TP-Link khi sử dụng các model Deco khác nhau, thứ tự ưu tiên của Deco chính nên là: Deco X60 > Deco M9 Plus > Deco X20/W3600 > Deco P9 > Deco P7 > Deco M5/M1300 > Deco M4R/E4R/W2400/AC1200 > Deco S4.

Cơ bản, mình thấy thiết bị nào cao cấp nhất trong hệ thống nên được làm Deco chính, điều này cũng khá dễ hiểu thôi vì thiết bị cao cấp sẽ có cấu hình tốt hơn, sẽ xử lý được nhiều công việc hơn nên cũng phù hợp để làm Deco chính hơn.

Hiện mình chưa thấy bài viết gốc của TP-Link được cập nhật với những model Deco Wifi 7 mới, mình sẽ update sau khi TP-Link bổ sung thêm thông tin này.

Thêm thiết bị Deco X60 vào hệ thống mạng X10 có sẵn

Trong ứng dụng Deco, chúng ta sẽ có 2 cách để thêm X60 vào hệ thống X10 có sẵn:

  • Thay thế trực tiếp Deco chính từ X10 sang X60
  • Thêm X60 vào hệ thống rồi chọn thay thế X60 thành Deco chính.
deco

Tuy nhiên, không rõ nguyên nhân vì sao, liệu có phải do mình đang dùng Deco X10 để quay PPPoE trực tiếp từ nhà mạng hay không. Mà quá trình thêm X60 vào hệ thống X10 của mình không quá suôn sẻ.

Mình dùng cả 2 cách trên đều gặp hiện tượng X60 không kết nối được internet từ nhà mạng qua PPPoE, dù mình đã kiểm tra mọi thứ liên quan đến PPPoE như tài khoản, Modem nhà mạng… mọi thứ đều bình thường.

Ngoài ra, mình cũng có thử setup X60 như một mạng mới, rồi restore cấu hình đã backup từ X10 trước, tình trạng tương tự vẫn lặp lại, X60 không kết nối được với internet.

deco

Mình không rõ nguyên nhân, nhưng mình phỏng đoán do xung đột phần mềm nào đó giữa X10 và X60 gây ra hiện tượng này, khi mà cấu hình của X10 lúc được import vào X60 có thể không được chuẩn xác, mong rằng TP-Link có thể khắc phục thông qua các bản cập nhật phần mềm trong tương lai.

Cuối cùng, mình phải setup X60 như một mạng mới hoàn toàn, lúc này X60 mới có internet, rồi sau đó mình mới add thêm 2 thiết bị X10 vào, kết quả là hệ thống hoạt động bình thường và ổn định.

Những tính năng mới

Khi đặt X60 làm thiết bị Deco chính, mình có thêm một số tính năng mới rất hữu ích của X60 mà trước đây trên X10 không có như:

  • Tốc độ Wifi tại khu vực có X60 cao hơn.
  • VPN Client / VPN Server
  • IoT Network
  • Bảo mật Camera

Tốc độ Wifi của X60

Deco X60 có cấu hình ăn ten và Wifi tốt hơn trên X10, cụ thể X60 hỗ trợ nhiều ăn-ten hơn, do đó hỗ trợ nhiều luồng MIMO hơn, đồng thời hỗ trợ độ rộng kênh lớn hơn, vì vậy có tốc độ và băng thông Wifi vật lý cao hơn hẳn so với X10. Dưới đây mình có làm một bảng so sánh để các bạn dễ hình dung:

Thông sốDeco X10Deco X60
Số lượng ăn-ten24
Tốc độ / băng thông Wifi 2.4 GHz tối đa300 Mbps574 Mbps
Tốc độ / băng thông Wifi 5.0 GHz tối đa1200 Mbps4804 Mbps
Độ rộng kênh tối đa (5Ghz)80 Mhz160 Mhz

Deco X10 chỉ hỗ trợ băng thông 5Ghz tối đa 1200 Mbps, đây là mức phù hợp để sử dụng với hệ thống mạng 1Gbps hiện tại rồi, tuy nhiên, mức băng thông này chỉ phù hợp nếu có ít thiết bị và trao đổi dữ liệu intranet không nhiều.

Còn trong mạng nội bộ sử dụng nhiều thiết bị, có những lúc trao đổi dữ liệu lớn với nhau thông qua wifi như AirDrop ảnh và video, hoặc sử dụng các dịch vụ cast như AirPlay, MiraCast, Chrome Cast…, mức băng thông Wifi cao hơn sẽ giúp giảm hiện tượng thiếu băng thông.

Vì vậy, tại khu vực phòng khách với nhiều hoạt động Wifi, việc đặt X60 tại đây thay cho X10 mình thấy khá hợp lý.

Kết quả đo tốc độ Wifi

Trước đây, mình sử dụng 2 chiếc Deco X10, với thiết lập cấu hình ethernet backhaul, được kết quả tốc độ Wifi như hình dưới. Các bạn có thể thấy với khu vực phòng khách, tốc độ Wifi của X10 rơi vào khoảng 800-900 Mbps, tuy nhiên trong khu vực các phòng ngủ, với nhiều đồ đạc và tường bao hơn, tốc độ Wifi chỉ ở mức 400-600Mbps.

Khi mình bổ sung thêm Deco X60 vào hệ thống như ảnh dưới, tốc độ Wifi của khu vực phòng khách tăng đáng kể, luôn duy trì ở mức 970-980Mbps ở mọi vị trí, thậm chí cả khu vực logia, trước đây chỉ có tốc độ khoảng 300Mbps, giờ cũng tăng lên đến ngưỡng 850 Mbps.

Mức tốc độ 970-980Mbps này cũng chỉ là giới hạn của dây LAN 1Gbps, nối từ Deco đến với server speedtest nội bộ nằm trên NAS của mình. Còn thực tế với Laptop mình sử dụng, Wifi link rate đã tăng lên 2400 Mbps thay vì 1200 Mbps trước đây (máy mình chỉ hỗ trợ 160 Mhz 2×2 MIMO nên không lên được link rate 4800 Mbps mà X60 hỗ trợ).

Các vị trí khác như các phòng ngủ, tốc độ Wifi cũng tăng lên đáng kể, ở mức 600-700 Mbps khi mà giờ có 2 chiếc Deco X10 bao phủ thay vì chỉ có 1 unit như trước.

VPN Server / Client

Deco X60 hỗ trợ VPN Server và Client, và chỉ cần X60 làm Deco chính, mình có thể sử dụng tính năng này.

Đối với VPN Client, mình không dùng đến nhưng Deco X60 cũng hỗ trợ khá nhiều nhà cung cấp VPN có tiếng như Nord VPN, Surfshark, IPVannish, PureVPN, hoặc các bạn cũng có thể thêm cấu hình VPN tùy chỉnh (WireGuard, OpenVPN, PPTP, L2TP/IPSec)

Mình thường sử dụng VPN Server nhiều hơn, chủ yếu phục vụ 2 mục đích:

  • Truy cập từ bên ngoài về mạng nội bộ an toàn.
  • Có kết nối an toàn khi sử dụng internet công cộng, mình sẽ có kết nối mã hóa đầu cuối về X60 trước rồi sau đó mới đi ra internet, tránh các trường hợp tấn công MitM (Man-in-the-Middle) trong trường hợp phải dùng Wifi công cộng.
  • Một trường hợp nữa mình sử dụng là để kết nối các TV của thành viên gia đình, nhưng ở những nơi khác, về chung 1 nơi, tránh Netflix báo TV không thuộc hộ gia đình.

VPN Server trên X60 hỗ trợ các giao thức như: WireGuard, OpenVPN, PPTP và L2TP/IPSec, như vậy là cũng khá nhiều và đặc biệt là có hỗ trợ những giao thức mới như WireGuard hay OpenVPN, đây là những giao thức mà nhiều router gia đình có thể không hỗ trợ.

VPN Server trên Deco X60 rất ổn định, mình chủ yếu sử dụng Open VPN thì thấy khá tốt, setup nhanh và dễ, xuất file config đơn giản, không cần chỉnh sửa thủ công gì nữa, chỉ cần gửi sang các thiết bị client để import là dùng được luôn. Kết hợp với DDNS miễn phí từ TP-Link, chúng ta sẽ có VPN Server hoạt động khá mượt mà và trơn tru, kể cả khi có khởi động lại hệ thống và được nhà mạng cấp 1 IP động mới, DDNS sẽ cập nhật và VPN Server vẫn sẽ hoạt động bình thường và hiệu quả.

Mặc dù hỗ trợ VPN Server, tuy nhiên vì X60 chỉ là Router Wifi cho gia đình, nên hiệu năng VPN Server cũng chỉ ở mức thấp, đủ dùng cho người dùng gia đình. Tốc độ mình test được với Open VPN trên Deco X60 chỉ vào khoảng 20-30 Mbps.

Mức tốc độ này dù không cáo, nhưng thực tế đã dư thừa để có thể thoải mái lướt web, xem video 4K, và mức này cũng vẫn đủ cho 1-2 TV xem Netflix 4K hoặc 4-5 TV xem Netflix Full HD cùng lúc, nên mình đánh giá là đã đủ dùng cho nhu cầu gia đình rồi.

IoT Network

Bên cạnh Wifi chính và Wifi dành cho khách (Guest network), X60 còn hỗ trợ thêm Wifi dành cho các thiết bị IoT, vậy là X60 có thể cài đặt được 3 mạng Wifi khác nhau.

Đây cũng là một tính năng hữu ích với những ai đang sử dụng nhiều thiết bị phục vụ nhà thông minh.

Tuy nhiên, mạng Wifi IoT này lại chỉ được phát ra từ duy nhất thiết bị X60 mà thôi vì 2 thiết bị Deco X10 không hỗ trợ mạng IoT, mình đã dùng ứng dụng scan các mạng Wifi hiện có để xác nhận việc này. Vì vậy, nếu muốn sử dụng đầy đủ tính năng và phủ sóng IoT mạnh khắp căn hộ, sẽ cần thay thế Deco X10 bằng thiết bị Deco khác có hỗ trợ cả mạng IoT.

Bảo mật camera

Đây là một tính năng hay và hữu ích có trên Deco X60 giúp tăng tính bảo mật khi chúng ta có sử dụng camera an ninh trong gia đình với 2 chế độ:

  • Home Mode – Chế độ ở nhà
  • Local Only Mode – Chế độ chỉ cho phép truy cập trong mạng nội bộ

Chế độ Home Mode để dành cho những khi chúng ta ở nhà và không muốn camera kết nối đến internet trong thời gian này, chúng ta có thể tùy chỉnh thời cố định hàng ngày, hoặc dùng chế độ block khi hệ thống Deco nhận điện được thiết bị của chúng ta quay về nhà thông qua kết nối Wifi.

Chế độ Local Only Mode thì đơn giản hơn, đó là chặn camera không cho camera kết nối internet, mỗi khi chúng ta bật chế độ này.

Và chúng ta có thể add nhiều camera vào cả 2 chế độ này theo nhu cầu sử dụng. Đây là tính năng bảo mật thông tin cá nhân rất hữu ích, phòng ngừa rủi ro đến từ các thiết bị camera.

Trải nghiệm sử dụng

Mình đã sử dụng mô hình mạng với X60 làm node chính và 2 chiếc X10 làm node phụ khoảng 1 tháng nay, kết nối rất ổn định, tính năng quan trọng nhất đối với một hệ thống mesh gia đình đó là khả năng roaming, tức là thiết bị tự động chuyển vùng kết nối tới node wifi có tín hiệu mạnh nhất.

Cụ thể với hệ thống Deco có hỗ trợ Fast Roaming 802.11 k/v/r (chuyển vùng nhanh), tính năng này hoạt động hiệu quả và mượt mà, những cuộc gọi Facetime dù mình có di chuyển qua lại trong nhà đều liền mạch, không hề bị rớt cuộc gọi hay gặp hiện tượng giật lag khi chuyển vùng.

Với hệ thống Deco, trong môi trường sử dụng gia đình, mình thấy chất lượng roaming của thiết bị tốt như các dòng Access Point Roaming chuyên dụng cho doanh nghiệp.

Các tính năng nâng cao khác như quản lý phụ huynh, tự động tối ưu Wifi, port forwarding, address reservation, beamforming… vẫn hoạt động tốt và ổn định.

Hệ thống Deco được quản lý và điều khiển hoàn toàn thông qua thiết bị di động với giao diện cực dễ sử dụng, rất phù hợp với đối tượng sử dụng cá nhân, gia đình, không có nhiều kiến thức chuyên sâu về các hệ thống mạng, có thể giám sát hệ thống từ xa thông qua internet.

Tổng kết

Cách sử dụng phối hợp giữa 1 thiết bị Deco cao cấp làm ‘đầu não’ và các thiết bị Deco khác phân khúc thấp hơn cũng là một giải pháp hiệu quả để cân bằng giữa hiệu năng và chi phí.

Khi sử dụng hệ thông Wifi của Deco, chúng ta cũng không sợ những thiết bị cũ bị bỏ rơi, khi mà phần mềm được cập nhật thường xuyên đem lại một số tính năng mới, phần cứng khi nâng cấp thiết bị mới vẫn có thể sử dụng thiết bị cũ mà không cần bỏ đi hay thay thế.

Tóm lại, Deco là một hệ thống Wifi Mesh phù hợp với gia đình vì vẫn có những tính năng đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng mà cách sử dụng, giao diện sử dụng được tối ưu để đơn giản hóa và dễ dàng cho người dùng.

Bài viết xin được kết thúc tại đây, nếu các bạn đang tìm mua các thiết bị Deco nói riêng hay các thiết bị mạng của TP-Link nói chung, có thể tham khảo tại gian hàng chính hãng của TP-Link trên các sàn thương mại điện tử.

Click vào logo để tới trang sản phẩm
Click vào logo để tới trang sản phẩm

Khi các bạn ấn vào link để xem hoặc mua hàng, mình có thể sẽ nhận được một chút hoa hồng từ tiếp thị liên kết, dù không nhiều nhưng cũng sẽ góp phần giúp mình xây dựng kênh và đem lại nhiều bài review hữu ích hơn đến với các bạn. Cám ơn các bạn.

Nếu thấy nội dung bài viết hữu ích, hãy chia sẻ cho bạn bè và người thân. Đừng quên theo dõi Ngon Bổ Xẻ qua Facebook và Youtube để luôn cập nhật các nội dung mới nhất. Ngoài ra, mình cũng có lập Group FB chuyên chia sẻ các deal hời cho anh em về công nghệ, điện từ, gia dụng… các bạn cũng có thể tham gia nha. Một lần nữa, chân thành cám ơn các bạn và hẹn gặp lại trong những nội dung kế tiếp ❤️


Chia sẻ bài viết:

Long

Mình thường đánh giá chi tiết những món đồ mà mình đã sử dụng, phân tích nguyên lý hoạt động của các thiết bị và giải pháp của vấn đề, so sánh những thứ có thể đặt lên bàn cân và chia sẻ những kinh nghiệm cá nhân mà mình đã tích luỹ được

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Nội dung này đã được bảo vệ bởi DMCA. Vui lòng không sao chép.